Thứ hai, 08/02/2010 - 11:26

Phát triền làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh

Năm 1997, giá trị sản lượng trong các làng nghề truyền thống là gần 250 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng không nhỏ so với tổng giá trị sản lượng của tỉnh Bắc Ninh.

Với những giải pháp về: Chính sách, thị trường, công nghệ... sẽ là những động lực chính phát triển làng nghề truyền thống, góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ở tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh là một tỉnh nông nghiệp nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, diện tích tự nhiên khoảng 797 km2 với số dân gần 1 triệu người, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, rất thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa. Đồng thời là một tỉnh nằm trong trục tam giác kinh tế lớn và quan trọng là: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trình độ dân trí khá cao, đội ngũ trí thức đông đảo, lao động dồi dào, với nhiều nghệ nhân tài hoa. Vì vậy từ xa xưa, Bắc Ninh được coi là mảnh đất của trăm nghề. Các làng nghề truyền thống ở đây xuất hiện rất sớm và tồn tại lâu đời trong lịch sử như: Làng rèn Đa Hội, thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ, sơn mài Đình Đảng, dệt Tường Giang, đúc nhôm Văn Môn, giấy dó Phong Khê, gạch Đáp Cầu, đúc đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng, tranh dân gian Đông Hồ...

Hiện nay, toàn tỉnh có 58 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 31 làng nghề truyền thống. Trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nhà nước giao kế hoạch và thu mua sản phẩm. Sản xuất được tập trung vào các hợp tác xã thủ công nghiệp, sự phát triển có nhiều khó khăn, chưa có môi trường kinh doanh phù hợp. Chính sách giá cả không hợp lý đã làm cho sản xuất giảm sút, người thợ thủ công không sống được bằng chính nghề nghiệp của mình, nhiều người phải đi làm công việc khác, các nghệ nhân và thợ tài hoa ngày một ít đi.

Trong thời kỳ đổi mới, các làng nghề được khôi phục nhanh với các nhóm nghề: Chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng và các nghề dịch vụ (vận tải, thương nghiệp và các dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp...). Các ngành nghề được khôi phục và phát triển với tốc độ nhanh, tiêu biểu nhất là ở huyện Tiên Sơn sau đó đến Gia Lương và Yên Phong. Số hộ gia đình tham gia ngày càng nhiều, lan toả từ thôn xóm này sang thôn xóm khác, đa số các mặt hàng đã tham gia xuất khẩu sang Đông Âu và Liên Xô (trước đây), góp phần đáng kể vào việc mở rộng ngành nghề và tăng kim ngạch xuất khẩu. Từ năm 1990,do biến động lớn về chính trị- xã hội ở các nước XHCN đã tác động trực tiếp đến làng nghề. Thị trường bị mất, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, dẫn đến nhiều nơi bị sa sút, người lao động gặp khó khăn.

Từ năm 1992 trở lại đây, do vươn lên tìm tòi và bám sát nhu cầu của thị trường, nhạy bén trong việc cải tiến mẫu mã, thay đổi mặt hàng, đổi mới công nghệ, làm cho hàng hóa thích ứng với thị trường về số lượng, chất lượng cũng như chủng loại. Tỉ trọng thu nhập từ ngành nghề tăng lên (chiếm khoảng 40-70%) so với tổng thu nhập của các hộ gia đình. Năm 1997 giá trị sản lượng của sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề đạt khoảng 250 tỷ đồng.

Các sản phẩm làm ra phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Điển hình là làng Đồng Kỵ (Tiên Sơn) chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp phục vụ cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu. Làng Đồng Kỵ có 1810 hộ, 10200 khẩu, trong đó có 1520 hộ với 4500 lao động làm nghề, thu hút thêm 1500 lao động bên ngoài. Đầu tư 11 máy xẻ ngang, 300 máy dọc cắt, 100 máy vanh, 500 máy khoan bàn, 100 máy bào và 400 máy bào cầm tay, 500 máy phun sơn, có khoảng 100 thợ giỏi, 300 thợ lành nghề làm ra doanh thu hàng năm khoảng 25 tỷ đồng, nộp ngân sách 230 đến 270 triệu đồng.

Sự khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh đã tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, đồng thời đem lại hiệu quả rất thiết thực. Tiền công đạt từ 500-600 đ/tháng ở làng Dương (Yên Phong) gấp 1,8 đến 4,5 lần so với lao động thuần nông. Lao động được thu hút vào ngành nghề truyền thống hàng năm gần 35000 người. Thu nhập từ làm nghề đã dần dần chiếm vị trí quan trọng trong thu nhập gia đình hộ nông dân.

Làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh có sự phát triển khá nhanh và đóng góp nhất định vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) nông nghiệp, nông thôn, nhưng vẫn còn biểu hiện yếu kém tồn tại:

Một là, trong những năm gần đây các làng nghề đã đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất như: Làng Đa Hội, đầu tư hơn 600 máy móc thiết bị công nghệ mới cho sản xuất; Phong Khê (Yên Phong) đầu tư 40 dây chuyền sản xuất giấy hoàn chỉnh, với công suất từ 150-750 tấn giấy một năm... Nhưng nhìn chung tốc độ còn chậm, địa bàn còn chưa được mở rộng, chủng loại mẫu mã chưa phong phú, đa dạng, nhiều mặt hàng còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, công nghệ thiết bị còn lạc hậu chủ yếu là thủ công, nên giá trị sản phẩm thấp. Thực tế cho thấy, hiện nay ở các làng nghề chỉ có 18% nhà xưởng kiên cố, 85% có sử dụng điện, 37% công việc được cơ giới hóa, còn lại làm bằng tay. Từ đó dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường gặp rất nhiều khó khăn.

Hai là, việc qui hoạch, định hướng phát triển làng nghề còn chậm, nhất là việc qui hoạch mặt bằng cho sản xuất và khu công nghiệp tập trung. Quản lý nhà nước còn lúng túng, thiếu chặt chẽ. Cho đến nay ở cấp trung ương là Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn có Cục chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn, nhưng mới chỉ dừng lại ở chỗ theo dõi là chính. tỉnh thì làng nghề được Sở công nghiệp theo dõi là chủ yếu. Nhưng các chỉ tiêu về làng nghề cũng chưa có cơ quan nào quản lý chặt chẽ và đầy đủ. Vì thế đã gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh và ô nhiễm môi trường rất lớn trong các làng nghề.

Ba là, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, thông tin kinh tế còn nhiều bất cập. Sản phẩm làm ra nhiều nhưng thị trường tiêu thụ quá hẹp. Công việc tiếp thị còn yếu kém, chưa có khả năng mở rộng thị trường. Do vậy, hàng làm ra còn tồn đọng nhiều như: Sắt Đa Hội, mộc mỹ nghệ Hương Mạc, Đồng Quang (Tiên Sơn), hàng gốm Phù Lãng (Quế Võ)... Hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong các làng nghề truyền thống đều phụ thuộc vào chủ bao tiêu và chủ bao mua. Do phụ thuộc chủ bao tiêu về vốn và nguyên liệu, về thị trường tiêu thụ sản phẩm... nên các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình thường xuyên bị các chủ bao mua chi phối.

Bốn là, môi trường trong các làng nghề bị ô nhiễm quá nặng bởi khói bụi, chất thải, hóa chất và phế liệu. Chẳng hạn làng giấy dó Dương (Yên Phong) mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 900-1000 m3 nước; làng nghề Mẫn Xá đúc nhôm, chì, kẽm nồng độ bụi chì trong không khí đã có lúc vượt 80 lần giới hạn cho phép; làng nghề Đa Hội mỗi ngày tiêu thụ 200 tấn than, thải ra 50 tấn xỉ sắt. Sự ô nhiễm môi trường đã làm cho đời sống nhân dân cũng như sản xuất trong các làng nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với nó là bệnh nghề nghiệp đang có xu hướng phát triển.

Từ thực trạng trên, để cho làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh phát triển theo hướng CNH, HĐH cần có bước đi và giải pháp thích hợp sau:

1. Về thị trường.

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở các làng nghề truyền thống là thị trường đầu ra. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao. Trong khi đó mức thu nhập của đại đa số người dân còn thấp. Cần mở rộng tìm kiếm và khai thác có hiệu quả thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp nhà nước cần thúc đẩy các mối quan hệ giao lưu, hợp tác, liên kết kinh tế với các làng nghề. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên phạm vi quốc tế, cần có sự giúp đỡ của các tổ chức tư vấn về chủng loại, về công nghệ, về quảng cáo và môi giới bán hàng... Điều quan trọng là các doanh nghiệp nhà nước đứng ra làm đầu mối thu mua, bao tiêu cho các cơ sở sản xuất ở làng nghề trên cơ sở tinh thần hợp tác, liên kết lâu dài.

2. Phát huy sức mạnh tổng hợp các hình thức kinh tế trong làng nghề truyền thống:

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các làng nghề được tập thể hóa thành HTX. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường các làng nghề đang trở về với mô hình truyển thống vốn có của nó là hộ gia đình, đồng thời cũng đang xuất hiện một vài tổ chức kinh tế mới. Để thích nghi với nền kinh tế nhiều thành phần, thì mỗi đơn vị, mỗi tổ chức kinh tế phải quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, trong đó giúp đỡ hộ gia đình về kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt cần tổ chức lại làng nghề truyền thống với mức độ và hình thức khác nhau. Đó là hình thức tốt nhất để thúc đẩy làng nghề truyền thống phát triển với qui mô lớn hơn.

3. Lựa chọn công nghệ và tiến bộ kỹ thuật thích hợp.

Khuyến khích các cơ sở sản xuất, các nghệ nhân, các thợ lành nghề đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến thay thế dần kỹ thuật thủ công lạc hậu. Công nghệ lựa chọn phải thích hợp với công nghệ truyền thống hay công nghệ truyền thống phải có khả năng tiếp thu công nghệ mới cả về trình độ kỹ thuật lẫn qui mô sản xuất. Chủ trương hiện đại hóa công nghệ truyền thống phải đảm bảo nguyên tắc sản phẩm làm ra không mất đi tính truyền thống, tính độc đáo, độ tinh xảo. Mặt khác có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quản lý cho các chủ doanh nghiệp và chính sách ưu đãi nghệ nhân có tâm huyết với nghề nghiệp.

4. Qui hoạch mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng:

Trước mắt tiến hành qui hoạch lại khu vực sản xuất, hình thành khu công nghiệp tập trung. Tách khu sản xuất ra khỏi khu dân cư. Từ đó đổi mới, đầu tư công nghệ làm cho môi trường trong sạch, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

Tập trung xây dựng qui hoạch cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, mạng lưới điện, hệ thống cấp thoát nước và thông tin liên lạc. Hệ thống qui hoạch này cần phải có sự đồng bộ. Việc xây dựng đường giao thông và điện nước ở nông thôn, nên thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

5. Đổi mới chính sách của nhà nước:

Chính sách của nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề truyền thống phát triển. Nhà nước tạo điều kiện để làng nghề hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng luật pháp. Các chính sách cho phát triển làng nghề cần tập trung vào những vấn đề sau:

- Nhà nước có chính sách ưu đãi cho vay vốn, nhất là những hộ nghèo, đời sống khó khăn. Tăng cường vốn trung hạn và dài hạn, giảm những thủ tục phiền hà khi vay vốn.

- Có chính sách miễn giảm thuế đối với những làng nghề mới được khôi phục và các sản phẩm mới sản xuất lần đầu. Đồng thời có biện pháp hữu hiệu trong việc chống trốn thuế, lậu thuế.

- Có sự ưu đãi thuế sử dụng đất, nhất là những khu qui hoạch mặt bằng cho sản xuất. Việc cho thuê đất để làm mặt bằng sản xuất phải tuân thủ Luật đất đai, để đất đai hoạt động bình thường theo cơ chế thị trường và làm cho đất nước được sử dụng đúng mục đích.

- Khuyến khích thành lập các hiệp hội nghề, hiệp hội nghề sẽ giúp các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình được trao đổi và cung cấp những thông tin cần thiết như: giá cả, thị trường cũng như về kỹ thuật và trình độ quản lý.

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến