Nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở làng nghề Đồng Kỵ phải đóng cửa thế này từ đầu năm 2009 (ảnh chụp sáng 28-2) - Ảnh: Đ.Bình |
HTX Thành Tường (Đồng Kỵ) năm ngoái có hơn 20 thợ, nay chỉ còn 7 người mà việc bữa có bữa không - Ảnh: Đ.Bình |
Tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ và sắt thép Đa Hội, hầu hết cơ sở đều giảm công suất, nhân công. Thậm chí nhiều cơ sở đang bên bờ vực phá sản, đóng cửa. Hàng ngàn lao động trực tiếp và rất nhiều lao động “vệ tinh” đang đối diện với tương lai không có việc làm...
Hết đơn đặt hàng
Con đường từ thị xã Từ Sơn về làng nghề gỗ Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ), làng nghề sắt thép Đa Hội (phường Châu Khê) đã được mở rộng thênh thang nhưng vắng bóng người. Các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề Đồng Kỵ cửa vẫn mở, hàng vẫn ngồn ngộn nhưng khách chẳng thấy đâu.
Chị Hương, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mão, kể lể: “Từ tết đến giờ tôi chưa bán được món hàng nào. Hàng chậm, ế ẩm, gỗ vứt đầy sân sau, thợ thuyền cho nghỉ hết”. Theo chị Hương, cơ sở chị chỉ dạng “cò con” ở Đồng Kỵ. Đầu năm ngoái, các đơn hàng từ Trung Quốc vẫn có đều đều. Từ cuối năm 2008 đến nay hợp đồng với Trung Quốc hết, không có đơn hàng mới, hàng bán trong nước chẳng có khách hỏi han.
Ở bên cạnh, HTX Thành Tường của chủ nhiệm Dương Văn Biên cũng ảm đạm, xám xịt. Toàn bộ khoảng sân sản xuất rộng 800m2 gỗ bày ngổn ngang, máy móc bụi phủ mờ. Cả xưởng mênh mông thế nhưng chỉ có đúng hai anh thợ đang đục đục đẽo đẽo. Ông chủ buồn bã: “Năm ngoái còn hơn 20 thợ, giờ chỉ còn bảy người. Cho thợ nghỉ hết cũng được, nhưng sợ sau đó khó kiếm người nên đành cố cầm cự nuôi thợ chờ thời”.
Theo người dân Đồng Kỵ, ở làng nghề này từ cuối năm ngoái đã “mất bóng” (gần như phá sản) gần chục ông chủ tên tuổi. Họ đầu tư lớn, nhập hàng trăm khối gỗ trắc với giá khoảng 200 triệu đồng/m3. Khi hàng ế, giá tụt thê thảm còn 60-70 triệu đồng/m3 gỗ trắc. Các “tập đoàn” sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ lớn nhất làng như Công ty Đông Dương, Hoàng Hải hay Ngọc Hà cũng im lìm, vắng thợ, thưa khách.
Ngay bên cạnh Đồng Kỵ, làng nghề sắt thép Đa Hội cũng chẳng khá khẩm hơn. Anh Trần Văn Triển, chủ cơ sở sản xuất sắt Thanh Triển, thật thà: “Nghề sắt chỉ nặng làm đêm thôi. Nhưng giờ đêm cũng như ngày, cả làng cứ im ỉm thế đấy. Chán lắm”. Hàng ế ẩm, giá phôi thép nhập vào so với giá thép thành phẩm bán ra chênh nhau quá ít nên chẳng lãi lời, trong khi công trả thợ sắt cao ngất ngưởng (nghề đặc thù, 200.000-250.000 đồng/công). Như anh Triển còn may mắn vì dù sao cũng có mối làm ăn, vẫn lay lắt cầm cự. Nhiều cơ sở khác đã phải tạm cửa đóng then cài, cho thợ về quê. Nguyên liệu nhập nhiều, giá cao nay hàng ế, giá hạ, tiền một đống trước mặt (phôi thép) mà cứ xỉn đen, hoen vàng như... rác.
Lao động lao đao
Anh Nguyễn Tiến Thắng (quê Bắc Giang), làm thuê cho cơ sở Thanh Triển hơn năm năm nay, cho biết việc làm của anh và gần 30 thợ trong cơ sở bị ảnh hưởng nặng nề bởi cái gọi là khủng hoảng kinh tế. “Từ giữa năm ngoái, anh em chúng tôi đã phải thay nhau người nghỉ, người làm. Trước làm bình quân 4-5 triệu đồng/tháng, giờ may lắm chỉ còn một nửa”. Anh Thắng cho rằng mình cũng quá may khi làm cho chủ còn có mối hàng, chứ nhiều người đã mất việc luôn.
Ông Dương Quang Sắc, phó chủ tịch UBND phường Châu Khê (Từ Sơn), chia sẻ với nỗi khó khăn của các cơ sở làng nghề: “Hàng sản xuất cầm chừng nên nhiều nhà xưởng sản xuất, kinh doanh sắt thép phế liệu, sắt thép thành phẩm, luyện phôi thép của Đa Hội đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Từ đó người lao động cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Theo ông Sắc, cả xã có 1.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh sắt và hầu hết đang điêu đứng, tất cả cơ sở đều đã phải giãn thợ, giảm giờ làm, ngày công để cố cầm cự đợi ngày kinh tế hồi phục. Hệ lụy trước mắt là khoảng 5.000 lao động trực tiếp (lúc đông lên tới 7.000 lao động) phải giảm giờ làm, nhiều người đã mất việc. Tình hình này kéo dài thì tới đây số người mất việc sẽ tăng khủng khiếp. Thêm vào đó, đội ngũ hùng hậu hàng ngàn người ở khắp làng quê khác làm nghề thu mua sắt vụn cũng bị ảnh hưởng.
ĐỨC BÌNH
Đồ trang trí tạc Mai Điểu
800,000 VND
|
Tượng Thiềm thừ gỗ Hương
1,200,000 VND
|
Tượng quan Vân Trường
5,300,000 VND
|
Tượng Rồng bồ tát
25,000,000 VND
|
Tủ kệ để vô tuyến
15,000,000 VND
|
Tượng Cặp Rồng gỗ Gụ
25,000,000 VND
|