Thứ hai, 08/02/2010 - 11:26

Làng nghề đồ gỗ Đồng Kỵ

Một làng nghề có 71 doanh nghiệp, hợp tác xã . Nhiều thợ cả trong làng là kỹ sư, cử nhân . Doanh thu năm 2000 đạt 119 tỉ đồng

Từ làng nghề truyền thống...

Làng nghề Đồng Kỵ phát triển mạnh như ngày nay trước tiên phải kể đến sự năng động, tư duy thương mại của người thợ nơi đây. Đồng Kỵ có nhiều thợ giỏi nổi tiếng với nghề đồ gỗ mỹ nghệ. Ông Võ Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Long - một thợ cả trong làng, cho biết: Sản phẩm Đồng Kỵ rất đa dạng. Các loại sập gụ, tủ chè, tủ đứng, tủ thờ, bàn ghế salon... được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, hợp cái gu thẩm mỹ của khách hàng.

Với tay nghề điêu luyện của những người thợ tài ba, các loại sản phẩm rất tinh được chạm, khắc, khảm trai, khảm ốc hình hoa lá, cỏ cây, chim thú, mây nước... Chính vì vậy, sản phẩm Đồng Kỵ rất được ưa chuộng. Về giá cả thì cũng nhiều loại. Ví dụ là chiếc sập nhưng cái này giá 6 triệu cái kia lên đến 60 triệu đồng, tùy theo chất liệu gỗ (gụ, trắc hay pơmu), công chạm khắc, sơn xi đánh bóng hay ốc khảm.

... Đến khu công nghiệp

Làng Đồng Kỵ có 3.271 hộ với 5.327 lao động trong diện tích hơn 1 km2. Đồng Kỵ giải quyết việc làm tại chỗ cho 5.000 lao động và trên 4.000 lao động ngoại tỉnh (Nam Định, Thái Bình, Hà Tây...). Mùa vụ tiêu thụ tập trung vào 3 tháng cuối năm. Hàng có lúc làm không kịp. Vấn đề đào tạo nghề, đào tạo thợ giỏi rất được coi trọng. Nghề thủ công mỹ nghệ không phải học được ngày một, ngày hai mà phải học lâu dài, phải có cái tâm với nghề, có bàn tay khéo léo và óc sáng tạo. Ở Đồng Kỵ, không có sự ngắt quãng việc nối tiếp giữa phó cả và phó nhỏ. Nhiều thợ cả trong làng là kỹ sư, cử nhân. Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã đang đào tạo nghề cho các thanh niên tỉnh bạn như Công ty TNHH Hưng Long đào tạo 2 lớp cho tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên.  Mỗi lớp 25 - 30 người, khóa học kéo dài 18 tháng. Những người đi học nghề không phải đóng tiền học phí mà còn được sắp xếp chỗ ăn, ở cộng 5.000 đồng/ngày mỗi học viên và kết thúc khóa học sẽ trở thành thợ của Đồng Kỵ. Tính đến thời điểm hiện nay, làng nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ có 71 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký sản xuất. Mỗi đơn vị có số vốn đầu tư khoảng 800 triệu - 1,5 tỉ đồng. Cá biệt có công ty đầu tư 12 - 15 tỉ đồng. Sản phẩm mỹ nghệ của Đồng Kỵ hiện có mặt trên khắp 61 tỉnh, thành. Doanh thu năm 2000 đạt 119 tỉ đồng. Dù xuất khẩu chưa nhiều, nhưng thu nhập bình quân của người dân đã đạt khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Theo ông Dương Công Đoàn, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang: Lô đất 12 ha đang được giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp làng nghề Đồng Kỵ nhằm 3 mục đích: phát huy tiềm năng vốn có của làng nghề; ổn định, phát triển theo hướng công nghiệp; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Bước đầu đã có hơn 40 doanh nghiệp đăng ký vào khu công nghiệp.

Từ làng nghề phát triển thành một khu công nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ đã tiến một bước dài, khẳng định thế mạnh của mình. Đồng Kỵ đã khảo sát, đang triển khai xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Lào, Trung Quốc... Hiện nay, một số doanh nghiệp (Thăng Long, Việt Hà, Hợp Thịnh...) đang nghiên cứu cách sao tẩm gỗ để sản phẩm có thể chịu được nhiệt độ khí hậu lạnh nhằm tiếp cận thị trường phương Tây.
BÀI VÀ ẢNH: Lê Thanh
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến