Thứ hai, 28/01/2013 - 09:57

nghề gỗ mỹ nghệ đồng kỵ

Cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp Nguyễn Trần Hiệp phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn) từ lâu đã được nhiều khách hàng biết đến vì có uy tín, luôn sáng tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ có chất lượng và mỹ thuật cao và là địa chỉ đào tạo nghề, tạo việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng.

Bố làm giáo viên nhưng anh Hiệp lại có niềm đam mê với nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Năm 1991, anh thi đỗ Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương nhưng anh không theo học mà chuyển hướng học lớp điêu khắc gỗ mỹ nghệ ở Phù Khê. Tại đây, năng khiếu điêu khắc gỗ của anh được bộc lộ. Sau 5 năm theo học, người thầy khuyên anh đi sâu vào mảng sáng tác và mở cơ sở điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ để vừa thỏa niềm đam mê vừa phát triển nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn.

Từ năm 1996 đến 2000 anh đã truyền dạy 2 lớp thợ trong đó tổ thợ đầu tiên là ở Song Giang (Gia Bình) và tổ thợ ở Dục Tú, Đông Anh (Hà Nội) để trực tiếp làm ra những sản phẩm điêu khắc gỗ đầu tiên cùng anh.
 

Anh Hiệp làm việc cùng tổ thợ ở Châu Khê (Từ Sơn).
 

Theo chân anh đi thực tế đến một số tổ thợ để chứng kiến khung cảnh miệt mài của những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn không thể đi học và được anh truyền nghề tạo việc làm ổn định. Em Nguyễn Đình Môn, làm nghề đã gần 2 năm tại cơ sở điêu khắc gỗ Trần Hiệp cho biết: “Trước khi làm thợ ở đây em đã được anh Hiệp tiếp nhận vào cơ sở đào tạo nghề 2 năm không phải mất phí. Nhờ có việc làm ổn định, em có thể tự trang trải cuộc sống bản thân và phụ giúp gia đình…”.

Kể về quá trình mở xưởng anh Hiệp cho biết: “Sau thời gian học nghề tôi về nhà mở xưởng, nhận việc từ Đồng Kỵ, Phù Khê về làm đồng thời đào tạo nghề cho một số anh em cùng có sở thích với điêu khắc gỗ. Tuy nhiên do điều kiện về cơ sở vật chất, mặt bằng nhà xưởng thiếu thốn nên mỗi em chỉ chuyên sâu được một lĩnh vực như: sao chép những dòng truyền thống như Tranh Cửu Long, Tứ Linh, con giống hay chuyên về hàng Tượng…”.

Cũng như nhiều người khác, khi mới vào nghề anh Hiệp gặp phải không ít khó khăn khi thị trường ảm đạm khó tiêu thụ sản phẩm. Anh chia sẻ: “Vào những năm 2000 khi sản phẩm làm ra chưa tiêu thụ được ngày 28 tết tôi đã phải đem cầm đồ chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng để lấy tiền trả lương cho các tổ thợ. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ tôi đã tìm ra chiến lược mới, cho ra thị trường dòng sản phẩm chất lượng cao đi sâu vào mảng sáng tác những sản phẩm tranh điêu khắc gỗ. Mặt khác tôi tìm thị trường tiêu thụ phù hợp. Hiện nay sản phẩm điêu khắc gỗ của tôi đã có mặt ở thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan.”

Trải qua nhiều khó khăn giờ đây cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp Trần Hiệp đã tạo được việc làm thường xuyên cho 40 lao động trong đó có hơn 30 lao động là thanh niên với thu nhập bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng.

Những sóng gió ban đầu trong tạo dựng cơ sở điêu khắc gỗ đã không làm anh Hiệp lùi bước. Sự nỗ lực cộng với niềm đam mê đã giúp anh gặt hái được thành công. Những bức tranh điêu khắc gỗ mỹ nghệ được nhiều du khách yêu thích và ưa chuộng như: Tượng quan công, tượng Di Lạc… Đặc biệt năm 2010, anh đạt giải xuất sắc hội trại Bắc Ninh với bức “Âm hưởng Thăng Long-Hà Nội”. Tác phẩm có ý nghĩa nêu cao giá trị truyền thống hào khí Thăng Long, lấy việc học là cốt lõi. Cũng chính tác phẩm này anh đã được Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam công nhận “Bàn tay vàng”; được công nhận Nghệ nhân quốc gia bằng tác phẩm “Bát Long vọng quang phát”.

Hiện nay, những sản phẩm tranh điêu khắc gỗ chất lượng cao của cơ sở Trần Hiệp được khách hàng ưa chuộng và tiêu thụ. Các lao động tại cơ sở theo đó có việc làm thường xuyên. Theo ước nguyện của anh và những lao động tại đây thì họ đang cần có mặt bằng rộng rãi để đào tạo nghề và làm việc tại chỗ.
Bài, ảnh: Minh Hường
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến