Thứ hai, 08/02/2010 - 11:26

Sôi động làng tạc tượng Sơn Đồng

Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức từ lâu đã nổi tiếng với nghề tạc tượng và làm đồ thờ cúng.

Đây cũng là một trong những xã được công nhận làng nghề truyền thống từ rất sớm và được Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao bằng vinh danh làng nghề. Không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước, sản phẩm của Sơn Đồng còn vươn ra nhiều nước trên thế giới, đem về cho người dân nơi đây một cuộc sống no ấm.

Hưng thịnh


Cơ sở Quảng Đại ở gần ngã tư Sơn Đồng là một trong ít cơ sở sản xuất tượng và đồ thờ cúng được ra đời từ những năm 1974 - 1975. Đây là một trong những cơ sở sản xuất có thâm niên và lớn nhất Sơn Đồng. Ông Nguyễn Trí Quảng, chủ cơ sở cho biết: Nghề này có từ đời ông, cha. Cậu của ông Quảng là học viên Trường Mỹ thuật, dạy nghề cho cả làng thời ấy. Vì thế, ông Quảng và 3 người em đã được truyền nghề và nay cả 4 người đều trở thành các ông chủ lớn. Ngày đó, ở đâu có đình, đền, chùa cần sửa chữa hay cần thêm tượng mới là thợ Sơn Đồng được mời đến làm. Đến khoảng năm 1984 - 1985, do điều kiện khách quan nên làng nghề bị sa sút. Tuy không hoạt động được ở nơi khác nhưng những người thợ trong làng vẫn âm thầm giữ nghề, chờ cơ hội phát triển. Hiện cơ sở Quảng Đại lúc nào cũng có 30 thợ làm thường xuyên với mức lương từ 1,2 - 2,2 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của cơ sở Quảng Đại đi tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Hải Phòng, Quảng Ninh, thậm chí có cả đơn hàng của cung đình Huế…


Ở Sơn Đồng, những cơ sở sản xuất như cơ sở Quảng Đại không nhiều, nhưng những cơ sở bán đồ thờ thì mọc lên như nấm. Chỉ quanh khu vực ngã tư Sơn Đồng đã có tới hàng chục cơ sở. Nhiều nhà trước đây kinh doanh mặt hàng khác, giờ cũng mở cửa hàng bán đồ thờ. Ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ văn hoá xã Sơn Đồng cho biết: Sơn Đồng có 1.820 hộ dân thì 100% các hộ đều có người làm việc liên quan đến nghề. Trong số đó, 300 hộ gia đình đã là chủ cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh thực sự. Hiện toàn xã có 2.000 lao động chính làm nghề; vào mùa vụ, số lao động phụ cũng lên tới 1.000 - 1.500 người. Thời điểm "mùa vụ" của Sơn Đồng vào khoảng tháng 7 năm trước (để phục vụ Tết), đến tháng 4 năm sau (phục vụ lễ hội), chỉ có tháng 5 - 6 là rỗi việc. Vì thế, Sơn Đồng liên tục thiếu thợ. Từ thanh thiếu niên, học sinh tới chị em phụ nữ đều có thể tham gia làm nghề, với thu nhập ổn định.


Và không ngừng vươn xa


Sản phẩm chính của Sơn Đồng là tượng Phật và các đồ trang trí đình chùa. Tượng Phật chủ yếu dùng gỗ mít, nơi nào (hoặc khách hàng nào) ít tiền thì đặt làm tượng đất. Tuy rẻ hơn tượng gỗ tới 3 lần nhưng tượng đất Sơn Đồng cũng có độ bền cao. Ông Dũng cho biết: Sở dĩ tượng Sơn Đồng nổi tiếng là do có sự khác biệt so với tượng của các nơi khác. Chẳng hạn, tượng sản xuất ở Vân Hà (Đông Anh) hay Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) chỉ là tượng chơi, không đòi hỏi nghệ thuật. Tương tự, thợ Võ Lăng và thợ Thường Tín thường làm tượng rất bóng, nhìn rất đẹp nhưng ít biểu lộ tâm hồn. Tượng Sơn Đồng có phong cách khác, không hào nhoáng, không bóng bẩy, rất thô mộc nhưng nhìn thấy cả "tâm tư" thần thái ở bên trong. Ông Dũng cũng cho biết, ở chùa Tây Phương, tượng 18 vị La Hán nổi tiếng đã đi vào thi ca Việt Nam cũng là do thợ Sơn Đồng tạc nên. Ngày nay, những thế hệ sau này của Sơn Đồng cũng vẫn lấy phong cách đó làm mẫu.


Tượng và đồ thờ của Sơn Đồng được bán cho các tín đồ, đình chùa hoặc các doanh nghiệp mua để thờ cúng hoặc trang trí. Từ nhiều năm nay, sản phẩm của Sơn Đồng đã chu du khắp thiên hạ, từ Bắc vào Nam. Ngay tại Thiên đường Bảo Sơn, huyện Hoài Đức (mới khánh thành năm 2008) cũng có một gian trung bày và bán đồ thờ của Sơn Đồng. Đó là chưa kể khách hàng nước ngoài ngày càng tìm đến Sơn Đồng nhiều hơn để đặt hàng. Năm 2007, ở Ucraina có xây một ngôi chùa rất lớn. Nhưng tất cả hoành phi, câu đối, đồ thờ của chùa đều đặt mua ở Sơn Đồng. Sau khi làm xong, thợ Sơn Đồng phải đánh contenner và mang một đội quân sang lắp ráp và hoàn tất, vậy mà làm trong hai tháng rưỡi mới xong. Ở Sơn Đồng, tượng được gửi sang Pháp, Mỹ… bằng contenner là chuyện thường.


Có nhiều thuận lợi nhưng làng nghề Sơn Đồng hiện cũng đang đứng trước khó khăn về mặt bằng. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Sơn Đồng là xã đô thị hoá 100%. Trước đây, Sơn Đồng cũng có quy hoạch làng nghề nhưng do một số hộ dân chưa đồng tình nên dừng lại. Bài toán về mặt bằng cho làng nghề Sơn Đồng hiện vẫn đang chờ lời giải của các cấp và chính quyền địa phương.

Hoàng Quyết

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến