Thứ hai, 08/02/2010 - 11:26

Người dựng “làng mộc Đồng Kỵ” trên mảnh đất miền Trung

Gần 12 năm trước (năm 1996), khi đã trắng tay sau những chuyến xuất hàng gỗ mỹ nghệ từ làng nghề mộc truyền thống Đồng Kỵ (Bắc Ninh) sang Lào, Thái Lan, ông Nguyễn Đức Dũng đã chọn Quảng Trị để gây dựng lại cơ nghiệp.

Và mảnh đất nghèo khó này không phụ công ông…

Dựng nghiệp trên đất nghèo

Ngồi nói chuyện với ông trong không gian ồn ã, lách cách tiếng đục, chạm, khảm của các tốp thợ, ông nói với tôi về cái “duyên nợ” của mình với mảnh đất Quảng Trị.

Ông kể: Năm 1963, ông nhập ngũ và vào đơn vị pháo binh A12, Trung đoàn 84 thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh. Sau thời gian huấn luyện tại miền Bắc đến năm 1966, đơn vị ông di chuyển vào Quảng Trị để trực tiếp chiến đấu. Những ngày chiến đấu tại Quảng Trị ở đâu, ông và đồng đội cũng luôn nhận được sự đùm bọc, cưu mang của các chị, các mẹ... Năm 1968, trong một trận đánh tại Cồn Tiên, Dốc Miếu, ông bị thương (thương binh 3/4) được chuyển ra Bắc.

Về lại đất Bắc, ông theo học lớp Trung cấp Tài chính-Kế toán rồi về công tác tại Ngành Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh mãi đến năm 1980 thì nghỉ làm. Thời gian ấy, nghề mộc truyền thống của làng Đồng Kỵ bắt đầu được khôi phục với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Nghề mộc mà ông học từ thời còn là chú bé theo cánh thợ trong làng đi khắp huyện Từ Sơn, Thuận Thành học việc đã có “đất dụng võ”. Cuộc sống của gia đình ông và người làng Đồng Kỵ trở nên khấm khá hơn.

Năm 1990, khi đã có trong tay một cơ ngơi nhà cửa, nhà xưởng khang trang và số vốn vài trăm triệu đồng, ông nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm của làng Đồng Kỵ sang Lào, Thái Lan để tiêu thụ. Sau nhiều chuyến hàng mang lại số lãi lớn thì cũng trong năm đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đồng Baht Thái Lan mất giá, nhiều khách hàng quen nay quay ra trốn nợ ông, sản phẩm thì ế ẩm không có người mua.

Tất cả tài sản của ông sau nhiều năm tích cóp cứ dần “đội nón” ra đi sau mỗi chuyến hàng. Nhưng ông nghĩ không thể bỏ đi cái nghề của tổ tiên để lại, không thể để vợ con phải chịu cảnh đói khổ, nợ nần.

Rồi ông nhớ đến mảnh đất Quảng Trị, nơi ông từng có những ngày tháng sống và chiến đầu. Trong suy nghĩ của ông, Quảng Trị luôn có một địa thế để phát triển tốt nghề mộc mỹ nghệ bởi Quảng Trị có đường 9 nối liền với Lào, Thái Lan thuận tiện cho việc nhập và vận chuyển gỗ có chất lượng tốt về làm gỗ mỹ nghệ.

Nghĩ là làm, ngay hôm sau ông bàn với vợ gom góp số tiền còn lại và khăn gói lên đường vào Quảng Trị. Khó có thể nói hết những khó khăn ngày đầu mới bước chân vào mảnh đất này. Ông phải chạy đôn chạy đáo khắp thị xã Đông Hà để tìm thuê mặt bằng mở xưởng mộc rồi quay ngược ra làng Đồng Kỵ thuê 6 thợ lành nghề vào làm việc tại xưởng, sau đó ông đào tạo nghề cho người địa phương.

Sau 5 năm (năm 1996-2001) ông mua được 3.000 m2 đất tại đường Lý Thường Kiệt, thị xã Đông Hà để làm nhà ở và thành lập Cơ sở mộc mỹ nghệ Mạnh Thắng với hàng chục thợ lành nghề. Không dừng lại ở việc mở Cơ sở mộc mỹ nghệ tại thị xã Đông Hà, gần đây, ông mở tiếp Cơ sở mộc mỹ nghệ thứ hai ở Trung tâm thương mại Lao Bảo (huyện Hướng Hoá) với quy mô gần 2.000 m2.

Phát triển “làng Đồng Kỵ” trên đất Quảng Trị

Tôi hỏi ông về sự khác nhau giữ sản phẩm gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ với sản phẩm gỗ của các xưởng mộc trên địa bàn Quảng Trị, ông cho biết: Sở dĩ sản phẩm gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ có được tiếng tăm và luôn được khách hàng tín nhiệm trong thời gian qua là ở chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng... và hơn hết là sự công phu.

Thông thường mỗi sản phẩm của tất cả các xưởng mộc đều qua các khâu như xẻ gỗ, ghép gỗ, chạm, khảm, đánh bóng rồi phun sơn nhưng riêng sản phẩm gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, ngay từ khâu chọn gỗ rồi xẻ gỗ đã phải được thực hiện hết sức cẩn trọng, cầu kỳ.

Công đoạn chạm nổi phong cảnh, rồng, phượng... đòi hỏi người thợ phải dồn hết tinh tuý, tâm lực vào đó mới bật lên hết “cái hồn” của sản phẩm. Chỉ riêng công đoạn khảm vỏ ốc, trai, xà cừ đã “ngốn” khá nhiều thời gian và trí lực. Vỏ ốc, trai, xà cừ cũng được lựa chọn kỹ càng và đảm bảo màu sắc luôn phù hợp, hài hoà với chất liệu, tông màu gỗ của sản phẩm.

Để hoàn thiện một sản phẩm gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ phải mất từ 1-3 tháng. Sản phẩm chủ yếu của Cơ sở Mạnh Thắng hiện nay là bàn, nghế, giường, tủ... và mỗi tháng cho doanh thu khoảng 57-60 triệu đồng.

Cơ sở mộc mỹ nghệ Mạnh Thắng hiện tại có khoảng 40-50 thợ, tuỳ theo thời điểm và lượng sản phẩm đặt hàng mà tăng hay giảm số thợ. Trong số thợ của ông có đến hai phần ba là đang trong thời gian được ông đào tạo nghề. Số thợ đó nếu sau này có được tay nghề vững muốn tách ra mở xưởng riêng, ông đều tạo điều kiện cho họ. Bởi theo cách nghĩ của ông thì càng có nhiều người học được nghề mộc mỹ nghệ và phát triển nhiều “làng Đồng Kỵ” trên đất Quảng Trị, ông càng cảm thấy hạnh phúc.

Còn nếu ai muốn ở lại để gắn bó lâu dài, ông đều cố gắng tăng thu nhập cho họ, mỗi thợ có tay nghề cao có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng; còn bình quân thu nhập của những thợ khác khoảng 1-2 triệu đồng/người/tháng.

Mái nhà chung của trẻ mồ côi, người khuyết tật

Chuyện ông nhận 17 người khuyết tật, trẻ mồ côi vào đào tạo nghề ở cơ sở, ông cho rằng chẳng có gì là to tát, vì ngày xưa gia đình ông cũng nghèo khó, tuổi thơ ông cũng cơ cực không được học hành. Đào tạo nghề cho trẻ mồ côi, không được học hành đến nơi đến chốn, giúp các em sau này có thể tự kiếm sống - đó là tâm nguyện mà ông đã và đang thực hiện.

Em Ngô Quang Cường (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng) vừa tỉ mẩn chạm trổ lên mặt gỗ, vừa cho tôi biết: Bố, mẹ em mất khi em lên 4, 3 chị em ở với bà ngoại. Tất cả thu nhập của mấy bà cháu đều trông chờ vào 3 sào ruộng và gian hàng tạp hoá của bà. Khoảng năm 2002, thấy hoàn cảnh của em quá khó khăn, Trung tâm bảo trợ xã hội thị xã Quảng Trị đã nhận em và em được nhận vào đào tạo nghề Cơ sở mộc mỹ nghệ Mạnh Thắng từ đầu năm 2006. Qua 11 tháng học nghề ở đây, bây giờ em đã có thể đảm nhận được một số công đoạn trong việc hoàn thành sản phẩm gỗ mỹ nghệ.

Cùng hoàn cảnh với em Ngô Quang Cường, em Nguyễn Văn Linh (phường 5, thị xã Đông Hà) kể: Trước đây, khi chưa đến làm ở Cơ sở Mạnh Thắng, em phải đi kéo xe thuê để kiếm tiền nuôi em. Cứ lang thang suốt ngày ngoài đường mà số tiền kiếm được cuối ngày cũng chỉ đủ để hai anh em rau cháo qua ngày. Năm 2000, em được bác Dũng nhận về dạy nghề và đến nay em đã thành thợ có tay nghề khá cao. Thu nhập bình quân của em mỗi tháng từ 1-2 triệu đồng.

Rời không gian tràn ngập mùi ngai ngái của những thớ gỗ mới xẻ và ngổn ngang sản phẩm gỗ mỹ nghệ, tôi mang theo câu nói khá chân tình của ông rằng “đất Quảng Trị đã hai lần ân nghĩa đón ông thì không lý gì ông không mang cái tinh tuý của làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống Đồng Kỵ vào đây để phát triển. Còn việc đào tạo nghề đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi thì cơ sở của ông sẵn sàng dang tay đón nhận. Đó vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ cũng là việc làm thiết thực nhất mà ông đền đáp cho mảnh đất này”.

Hiếu Giang

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến